Hương vị đặc trưng của các loại bánh này gợi nhớ thời "bỉ cực, thới lai" của lưu dân cộng cư Nam bộ cùng khát vọng mưu cầu hạnh phúc của những kẻ tha hương. Truy nguyên, các đặc sản trên là của Triều Châu đến từ Trung Quốc, và bí quyết làm ra chúng có lẽ đã đồng hành với đoàn quân Minh Hương phiêu bạt tới Cù Lao Phố, Mỹ Tho từ cuối thế kỷ 17, rồi dần toả xuống Trà Vinh, Sóc Trăng mấy trăm năm trước...
Cuối năm trời miền Tây Nam bộ se lạnh. Ngụm trà gừng ấm lòng lữ khách, càng ấm thêm khi có miếng bánh pía, viên mè láo Sóc Trăng.
Ngon, bổ, rẻ
Trong kinh doanh, những thuộc tính này rất dễ "hục hặc" với nhau, thế nhưng người Hoa lại làm được. Cụ thể, một cây bánh pía nhân đậu, trứng vịt muối, sầu riêng nặng khoảng 600gr giá chỉ 18.000 - 20.000 đồng; hộp mè láo khoảng nửa ký giá chỉ 15.000 đồng.
Theo anh Châu Minh, 35 tuổi, bác sỹ Đông y, ở P.1 thị xã Sóc Trăng: "Tiện lắm, buổi sáng có thể ăn một chiếc bánh pía, uống vài chung trà, nhấm nháp thêm viên mè láo là đủ no đến trưa. Hôm nào trời trở lạnh, ăn sáng kiểu này đã lắm, lại rẻ!"
Thường trong những đám giỗ ở thôn quê Nam bộ, khách được mời hay mua bánh pía đến cúng. Con cháu ở xa về thăm nhà cũng mua cây bánh pía, gói trà con voi để biếu ông bà, cha mẹ "ăn lấy thảo".
Nhất nghệ tinh
Làm nghề truyền thống bánh pía - mè láo Vũng Thơm có cách đây khoảng trên trăm năm, thuộc xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Tú. Hiện làng có khoảng 47 công ty, cơ sở lớn, đa số đang ăn lên làm ra.
Một trong những ông tổ của làng nghề là ông Âu Như Xương. Từ chín, mười tuổi cậu bé Xương đã đi ở cho một lò bánh pía uy tín trong vùng. Mặc dù bị chủ sai vặt đủ việc, cậu Xương vẫn quyết tâm học nghề. Ròng rã hơn 20 năm, chàng Xương đã trở thành thợ giỏi và mở cơ sở riêng. Để ghi nhớ và nhắn nhủ con cháu đời sau phải bền chí lập nghiệp, ông đặt tên cơ sở mình là Công Lập Thành. Bà Nguyệt Lan, vợ ông Xương, 75 tuổi kể: "Gia tài của chúng tôi hồi 70 năm trước là một cái lò nướng bằng đất, đắp tròn tròn như cái mả và vài thợ phụ, mỗi mẻ nướng được 8 - 9 cái. Tôi đội bánh đi chợ Vũng Thơm cách đó khoảng 500m, cực khổ lắm". Nay Công Lập Thành có khoảng vài trăm thợ, còn chủ nhân đời thứ hai có tới hai nhà lầu hai tầng tại Vũng Thơm.
Vài năm gần đây, khách du lịch trong, ngoài nước đến Sóc Trăng ngày càng đông, thường mua bánh pía, mè láo về làm quà. Cứ thế, các lò bánh pía, mè láo Vũng Thơm sản xuất quanh năm. Không ít công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ ngoại nhập làm bánh pía, mè láo khép kín, trị giá hàng chục tỉ đồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các công ty này còn xuất khẩu ngược sản phẩm về cố quốc; rồi sang Mỹ, Canada, Úc, Campuchia... Từ đó, kiểu dáng bao bì bánh pía ngày càng được chăm chút hơn. Ngày nay, những chiếc bánh pía được đặt trong từng ngăn của vỉ nhựa, có túi chống ẩm, mốc; bên ngoài là hộp giấy carton cứng trang trí khá đẹp, có quai sách, ghi rõ hạn sử dụng.
Vị ngon của nỗi hoài hương
Dân sành ăn địa phương cho rằng chất lượng các loại bánh pía, mè láo của các công ty, cở sở làm bánh lớn ở Sóc Trăng có thể nói là "ngang cơ". Tuy vậy, theo một số người cao tuổi ở đây và tại TP. HCM, vị bánh pía hồi xưa ngon và thơm hơn, bởi nó được làm thủ công, nướng lửa than. Nhược điểm của bánh làm thủ công trước đây là hạn sử dụng chỉ 2 - 3 ngày, còn bánh pía ngày nay có thể để được hơn một tháng.
Nếu như 6 - 7 năm trước bánh pía chỉ "dựa hơi" bánh trung thu thì nay nó đã bứt phá ngoại mục, bỏ xa bánh trung thu. Bánh pía giàu năng lượng không kém bánh trung thu song được dân Nam Bộ dùng phổ biến hơn, gần như mọi lúc mọi nơi, cả trong những ngày Tết Nguyên đán.
bánh bía |
Nhân bánh pía nhờ đó cũng ngày càng phong phú hơn: bánh pía nhân khoai môn, trứng vịt muối, đậu xanh, sầu riêng; bánh pía nhân vịt tạp, trứng muối, hương sầu riêng; bánh pía nhân mứt bí, đậu xanh, sầu riêng... Công Lập Thành đang chuẩn bị cho ra mắt một loại bánh pía mới, trong nhân có "coóng sại" - cải tiều phơi héo muối thành dưa, nêm gia vị kiểu người Hoa. Tân Huê Viên cũng sắp tung ra bánh pía "bà xã" với nhân có khóm (thơm), đậu xanh, bơ...'
Bánh bía |
Có người cho rằng bánh pía là một trong những bí mật quân lương của nhóm người phản Thanh phục Minh bất thành, đứng đầu là Trần Tử Ngang, Dương Ngạn Dịch. Thời đó họ ăn bánh này, uống rượu thuốc để lấy sức chiến đấu rồi bôn tẩu sang tới xứ Biên Hoà. Nhân bánh pía thời đó được làm bằng thịt vịt quay, chao cùng với mỡ heo hoặc mỡ cừu, vỏ làm bằng hạt lúa mì hoặc hạt kê, nướng lửa than.
Ngày xuân, thưởng thức bánh pía, mè láo uống trà, chợt nghĩ về hai thứ đặc sản của xứ Sóc Trăng: Chỉ với một nghề thủ công bình thường mà không ít người Hoa tha hương đất Việt từ sống nghèo khó đến sống được, rồi sống khoẻ; và phải chăng trong cái ngon của bánh pía, mè léo còn ẩn chứa tình yêu xứ sở và một chút nỗi buồn tha hương của "khách trú" năm xưa?
Theo Ẩm Thực
Ôi trung thu đến rồi mua quà cho em y thôi
Trả lờiXóadu học nhật bản - du hoc nhat ban - du học nhật bản - du hoc nhat - ve may bay